Nghìn lẻ một đêm tái bản lần thứ 45

 

 

Pho truyện cổ “Nghìn lẻ một đêm” nói chung và bản dịch tiếng Pháp của Antoine Galland nói riêng đã để lại sức ảnh hưởng lâu dài đến nền văn học thế giới. Nhà văn Nga Maxim Gorki từng nhận định: “Trong số các sáng tác truyền khẩu dân gian, các truyện cổ tích của nàng Scheherazade là di tích đồ sộ nhất... Công trình dệt gấm bằng từ ngữ này xuất hiện từ thời tối cổ, những sợi tơ muôn màu của nó lan khắp bốn phương, phủ lên trái đất một tấm thảm từ ngữ đẹp lạ lùng”.  
 

Antoine Galland tình cờ biết đến những câu chuyện "nghìn lẻ một đêm" qua bản thảo bằng tiếng Ả Rập xuất hiện ở Syria vào thế kỷ XIV. Ngay lập tức ông bị lôi cuốn bởi những câu chuyện kịch tính, ly kỳ, mang đậm bản sắc của vùng Ba Tư, Ả Rập cùng những nhân vật có tính cách độc đáo mà nàng Scheherazade dũng cảm và thông minh đã kể hằng đêm cho vị vua Ba Tư nghe với mục đích cảm hóa vị vua.
 

Với vốn ngôn ngữ Ả Rập và Ba Tư, Antoine Galland đã chọn lọc những câu chuyện mà mình tâm đắc nhất và bắt tay vào tuyển dịch. Trong công trình của mình, ông để lại dấu ấn riêng bằng cách bỏ bớt những tình tiết rườm rà và dâm tục có trong bản gốc, đồng thời bổ sung thêm một số câu chuyện do ông sưu tầm riêng từ người bạn kể chuyện rong, như truyện về Alladin và cây đèn thần, hay về Ali Baba với câu thần chú “Vừng ơi, hãy mở ra” nổi tiếng.
 

“Nghìn lẻ một đêm” của Antoine Galland có khung cảnh rộng lớn, chủ đề đa dạng, tình tiết đầy bất ngờ, nhân vật phong phú rất thực và cũng rất hư, truyện này nối tiếp truyện kia, truyện sau lồng vào truyện trước, truyện này chưa hết truyện khác đã bắt đầu..., hấp dẫn độc giả toàn thế giới.
 

Khi “Nghìn lẻ một đêm” đến với độc giả Việt Nam, sức hút của bộ truyện cũng hết sức mạnh mẽ được minh chứng qua số lượng nhiều bản dịch và bản in khác nhau đã ra đời. Tuy nhiên, được biết đến nhiều hơn cả là bản chuyển ngữ của dịch giả, nhà báo lão thành Phan Quang dịch từ nguyên bản tiếng Pháp của Antoine Galland.
 

Yêu mến “Nghìn lẻ một đêm”, dịch giả Phan Quang đã vừa dịch vừa nghiên cứu về văn hóa Ả Rập từ những năm 1970 để đến năm 1981, bản dịch tiếng Việt ra mắt độc giả. Và cho tới nay, bản dịch đã được tái bản tới 44 lần. Mới đây, NXB Văn học và Đông A books đã liên kết tái bản “Nghìn lẻ một đêm” lần thứ 45.
 

Giữa một thị trường sách có nhiều bản dịch, lần tái bản thứ 45 này vẫn tạo được sự hấp dẫn độc giả, bởi, trong lần tái bản này, “Nghìn lẻ một đêm” được giữ lại đầy đủ tất cả những truyện mà dịch giả Phan Quang chuyển ngữ dựa vào bản in "Les mille et une nuits" của Antoine Galland do NXB Anh em Garnier (Librairie Garnier Frères) phát hành năm 1921.

Cùng với đó, đáp ứng nhu cầu sách không chỉ hay mà còn cần phải đẹp của độc giả ngày nay, bản dịch còn được thiết kế bìa cứng có áo, có trang trong được trình bày toàn bộ tranh vẽ minh họa theo đúng nguyên tác trong bản in của NXB Anh em Garnier, đồng thời bổ sung một số minh họa từ ấn bản tiếng Đức do Verlag von Emil Strauß phát hành năm 1897. Những bức họa sống động khiến cho bộ sách đồ sộ này trở nên bắt mắt, gợi trí tưởng tượng về thế giới Ả Rập cùng những câu chuyện nhiệm màu của nàng Scheherazade.