Review Toán học một thiên tiểu thuyết – Mickael Launay

Bạn có thích toán học không?

Nếu câu trả lời của bạn là “không”, cuốn sách tôi sắp sửa đem đến đây sẽ khiến bạn nhận ra Toán học không khô khan, đáng ghét đến thế, thậm chí hấp dẫn và thú vị hơn nhiều, hay chí ít bạn sẽ không phải cảm thấy chán nản khi làm bài tập toán về nhà. Còn nếu bạn nói “có” thì cuốn sách sẽ mở ra cho bạn thêm nhiều điều kì thú, đẹp đẽ, mới lạ mà quen thuộc đến nỗi mê mẩn và bạn không khỏi nao núng dành hàng giờ để khai phá chiều sâu của bộ môn toán học.

Cuốn sách kì diệu ấy mang tên: “Toán học- một thiên tiểu thuyết”.
 


 

Những họa tiết, hình dạng hình học như trên nền vỉa hè này đã có từ rất lâu, nhiều ngàn năm trước, trước khi con người khám phá ra toán học và đặt ra các tên gọi, phát minh ra các công cụ, kỹ thuật để tìm hiểu thế giới rất kỳ diệu và đẹp đẽ này. Lịch sử toán học, thứ có lẽ chúng ta không hề được dạy suốt 12 năm đèn sách, thật ra rất ly kỳ, đầy những giai thoại lý thú về những bộ óc vĩ đại, dành cả đời quan sát thế giới tự nhiên, say mê tìm kiếm, lý giải những bí ẩn của nó. Chiều dài lịch sử đó được tóm gọn trong quyển sách này, mà lời giới thiệu tiếng Anh là “lược sử các ý tưởng toán học đã làm thay đổi thế giới vĩnh viễn cùng những con người bình thường và những nhà tiên phong đằng sau chúng”.

Quyển sách non fiction này với mình hóa ra lại là một vé đi tuổi thơ, bởi mình bắt gặp lại những tên tuổi, thuật ngữ từ lâu đã không còn nghe/dùng tới: định lý py-ta-go, tiên đề ơ-clít, định lý vi-et, hệ tọa độ đề-các hay dãy số fibonacci. Tất cả những cái tên này đều được viết theo tiếng Anh (hay Pháp nhỉ), không phải kiểu phiên âm SGK như đã in sâu vào trí nhớ này. Và đương nhiên, mình chỉ nhớ mỗi định lý py-ta-go, quên luôn cả tiên đề ơ-clit.

Dù học ban D, không thể lơ là toán nhưng hóa ra mình đã học chỉ để thi, chưa bao giờ tự hỏi đại số là gì, lượng giác là sao, thế nào là giải tích và vi tích phân thật sự là gì và dùng để làm gì. Những điều đó, và cách những người khổng lồ trong giới khoa học tìm ra chúng, đều được kể một cách thú vị, bao gồm cả sự thật lịch sử lẫn dật sử, từ những tính toán, đo đạc đầu tiên để quản lý đất đai, đàn gia súc đến giải các vấn đề to tát hơn, mà đích đến cuối cùng là máy tính và trí tuệ nhân tạo. Mỗi chương sách đều cho mình một hiểu biết mới, một kiến thức đáng kinh ngạc về “gia tộc những con số”, hay hình tròn và tam giác tự nó chứa đựng quá nhiều điều kỳ diệu.

Chúng ta ngày nay viết phép tính 1+2=3 không tốn một chút công sức, nhưng để gán được con số, gọi tên chúng, và biểu diễn phép tính gọn gàng bằng ký hiệu đó là cả một quá trình dài đằng đẵng. Phải đọc quyển này mình mới nghĩ đến câu hỏi, toán được khám phá – nghĩa là tồn tại sẵn trong tự nhiên, hay được phát minh ra? Câu trả lời là a2+b2=c2 trong tam giác vuông là một sự thật khách quan, nhưng con người phát minh ra các công cụ để khám phá nó. Một quyển non fiction mà mình recommend mạnh cho tất cả, dù bạn có yêu thích hay học giỏi toán hay không.

Nguồn: Nhã Nam